fbpx
Jolie Siam is now a part of Source of Asia XEM THÊM

Các “tuyệt chiêu” để phỏng vấn online thành công

Công nghệ ngày càng phát triển và không ngừng nâng cao khiến phỏng vấn online không còn là một hình thức quá xa lạ đối với người tìm việc ngày nay bởi tính tiện lợi và hiệu quả của nó, ứng viên có thể tiết kiệm thời gian đi lại, xóa bỏ chướng ngại về khoảng cách địa lý và ít cảm thấy căng thẳng hơn so với phỏng vấn trực tiếp.

Tuy nhiên không ít bạn vẫn còn lúng túng và gặp nhiều trở ngại trong lần đầu tiếp cận với hình thức phỏng vấn online. Trong bài viết này, Jolie Siam sẽ hướng dẫn chi tiết đến bạn những lưu ý quan trọng và các “tuyệt chiêu” cần chuẩn bị để có được kết quả phỏng vấn tốt nhất nhé.

Bài viết liên quan:

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 1

Phỏng vấn online không còn là một hình thức quá xa lạ đối với người tìm việc

1. Trước buổi phỏng vấn online

1.1. Lựa chọn thời gian phỏng vấn phù hợp

 Nhà tuyển dụng sẽ luôn hỏi thời gian bạn có thể tham gia cuộc phỏng vấn về công việc mà bạn đã ứng tuyển. Khi đó, hãy tinh tế chọn một thời điểm mà cả bạn và nhà tuyển dụng đều có tâm trạng tốt nhất và có thể tập trung nhất.

 Bạn không nên chọn lịch phỏng vấn vào cuối ngày – khi nhà tuyển dụng đã trải qua một ngày làm việc mệt nhọc và tránh chọn khoảng thời gian xen giữa những lịch trình khác để đề phòng những trường hợp sự cố kỹ thuật làm kéo dài giờ phỏng vấn. 

Thông thường, thời điểm “vàng” để tiến hành phỏng vấn là từ 9g đến 11g30 sáng – dựa vào nghiên cứu phỏng vấn việc làm và trong các nghiên cứu của các bác sĩ phẫu thuật cho rằng thời điểm đó là thời điểm tốt nhất để chúng ta tập trung cao độ.

 Ngoài ra, hãy cố gắng sắp xếp cuộc phỏng vấn ngay ngày hôm sau hoặc một ngày gần nhất thuận tiện cho cả hai bên, bởi nếu bạn trì hoãn cuộc phỏng vấn sau một tuần hoặc lâu hơn, có thể những ứng viên khác đã hoàn thành các vòng phỏng vấn trong thời gian đó và nhà tuyển dụng tất nhiên sẽ cân nhắc đưa ra đề nghị công việc cho các ứng viên đã đến vòng cuối cùng sớm hơn.

 Đừng quên nhắc nhở bản thân ghi nhớ lịch hẹn bằng cách ghi chú lại thời gian phỏng vấn online vào các ứng dụng nhắc lịch hẹn hoặc trong sổ tay bạn nhé.

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 2

Hãy ghi chú vào sổ tay hoặc các ứng dụng nhắc nhở lịch hẹn trên điện thoại để tránh quên lịch phỏng vấn

1.2. Chuẩn bị

 Chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn là bước quan trọng không thể thiếu dù là phỏng vấn theo hình thức offline hay online. Một ứng viên xuất hiện trong buổi phỏng vấn với phong cách chuyên nghiệp, chỉn chu, tươm tất và có sự hiểu biết về công ty cũng như vị trí mà mình đang ứng tuyển sẽ cho nhà tuyển dụng thấy sự nghiêm túc, đầu tư về thời gian cũng như công sức cho cơ hội việc làm này. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn online? 

1.2.1. Chuẩn bị kiến thức chuyên môn và các câu hỏi cho buổi phỏng vấn

 Ngoài mặt hình thức, đừng quên chuẩn bị kỹ càng về nội dung trong buổi phỏng vấn online. Trước tiên, bạn cần chuẩn bị sẵn các câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản và thường gặp trong buổi phỏng vấn như hãy giới thiệu về bản thân hay điểm mạnh và điểm yếu của bạn, bạn sẽ mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp,… Hãy viết ra những kinh nghiệm, thành tích và trải nghiệm mà bạn đã tích lũy khi ở trường học hoặc trong các công việc trước kèm theo các dẫn chứng cụ thể nhé. Đồng thời hãy tìm hiểu kỹ về thông tin công ty cũng như vị trí mà bạn đang ứng tuyển để nhà tuyển dụng biết được bạn thật sự nghiêm túc với cơ hội việc làm này. 

Nếu bạn đang ứng tuyển vị trí lễ tân hoặc chăm sóc khách hàng, hãy tham khảo trang Teachable để tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này nhé.

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 3

Trang bị đủ kiến thức trước buổi phỏng vấn online sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng

 Đừng quên chuẩn bị trước những câu hỏi, thắc mắc liên quan tới công việc ở vị trí mà bạn ứng tuyển, chương trình đào tạo hay chế độ làm việc ở công ty để hỏi nhà tuyển dụng nhé. Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng ghi chú trên máy tính để ghi lại các ý mà mình không muốn bỏ quên. Sau khi đã chuẩn bị câu trả lời cho nội dung bên trên, bạn nên tập trả lời thật nhuần nhuyễn và lưu loát. Khả năng giao tiếp tốt cũng là một điểm cộng lớn cho ứng viên đấy!

1.2.2. Chuẩn bị thiết bị kết nối

Sự thành công của một buổi phỏng vấn online phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị kỹ thuật để kết nối với nhà tuyển dụng như điện thoại, máy tính bảng, laptop,… Bạn nên sử dụng laptop hoặc máy tính bàn để có hình ảnh và âm thanh ổn định nhất. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng điện thoại thông minh, hãy sử dụng giá đỡ điện thoại để cố định, tránh hiện tượng rung lắc do cầm bằng tay và đừng quên tắt thông báo chuông điện thoại nhé.

Hãy tải sẵn các trình duyệt, công cụ, ứng dụng sẽ sử dụng để phỏng vấn online và dành thời gian làm quen với các thiết bị và phần mềm cần thiết để không bị lúng túng trong thao tác với thiết bị. Bạn có thể gọi thử cho người thân hoặc bạn bè của mình để kiểm tra xem micro và loa của bạn vẫn hoạt động bình thường hay không, cũng như chuẩn bị thiết bị dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật với thiết bị chính.

Bạn nên đảm bảo rằng thiết bị đã được sạc đầy pin và có thể dùng đủ cho một cuộc phỏng vấn online có thể kéo dài một giờ đồng hồ, hoặc chuẩn bị cáp sạc dự phòng để tránh tình trạng hết pin giữa buổi phỏng vấn. 

Đường truyền internet ổn định là một yếu tố quan trọng không kém góp phần cho buổi phỏng vấn online diễn ra suôn sẻ. Bạn nên chọn những nơi có kết nối mạng dây hoặc những nơi có kết nối wifi ổn định và không bị gián đoạn.

Sự thành công của một buổi phỏng vấn online phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị kỹ thuật, tín hiệu mạng và background

Một phòng phỏng vấn yên tĩnh sẽ là điều kiện tuyệt vời để bạn có thể trao đổi mọi thông tin quan trọng với nhà tuyển dụng. Nếu bạn sống cùng gia đình, hãy nói với họ rằng bạn sẽ có một buổi phỏng vấn online quan trọng và nhờ mọi người giữ yên tĩnh. 

Sử dụng ánh sáng tự nhiên có lẽ sẽ làm gương mặt của các bạn không rõ nét và tươi sáng, bạn có thể dùng thêm đèn chiếu sáng để giúp cho hình ảnh của các bạn tỏa sáng trong mắt nhà tuyển dụng thông qua camera.

Hãy chọn một góc độ và độ cao phù hợp sao cho có thể nhìn thấy nửa thân trên và tầm mắt ở ngang camera. Nếu bạn muốn chọn phông nền ảo, đừng chọn các phông nền hoạt hình hay quá màu mè, và cũng đừng quên làm sạch phông nền của mình bằng việc loại bỏ những đồ vật thừa thãi ra khỏi camera – một căn phòng quá bừa bộn hoặc một phông nền quá lòe loẹt đều sẽ là “điểm trừ” đối với nhà tuyển dụng đấy.

1.2.3. Chuẩn bị ngoại hình chỉn chu

Dù là phỏng vấn online hay offline, việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng rất quan trọng. Hãy chuẩn bị trang điểm, kiểu tóc và trang phục tươm tất, phù hợp với vị trí tuyển dụng để thể hiện sự tôn trọng. 

Ngoài ra, dù camera chỉ chiếu nửa thân trên nhưng bạn không nên chỉ ăn mặc tươm tất bên trên và mặc quần đùi hay quần thun bên dưới, bởi khi điều chỉnh thiết bị có thể xê dịch dẫn đến rủi ro nhìn thấy cả một nửa thân dưới của bạn.

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 5Dù là phỏng vấn online hay offline, việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng rất quan trọng

2. Trong buổi phỏng vấn online

2.1. Tham dự đúng giờ

Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tác phong làm việc của bạn. Vào ngày phỏng vấn, hãy khởi động máy tính/ điện thoại lên trước khoảng 30 phút và kiểm tra lại đường truyền mạng, xác nhận pin đã sạc đầy chưa, hình ảnh của mình trong camera có rõ nét hay không,… Thời điểm tốt nhất để tham gia vào phòng phỏng vấn là 5 phút trước giờ bắt đầu, khi đã vào phòng phỏng vấn, đừng quên nói lời chào với nhà tuyển dụng nhé.

2.2. Giao tiếp bằng ánh mắt 

Một điều lưu ý trong phỏng vấn online chính là vị trí của tầm mắt. Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh của người phỏng vấn hoặc của chính bạn trong màn hình, đối phương sẽ nhìn thấy tầm mắt bạn đang hướng xuống và trông không mấy tự nhiên. Bạn cần chú ý nhìn trực tiếp vào camera để tạo cảm giác tập trung, đừng quên thể hiện ngôn ngữ cơ thể tự tin nhất có thể – hãy ngồi nghiêm chỉnh, giữ khuôn miệng luôn tươi cười và hành động như thể đang trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp. 

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 6

Nhìn trực tiếp vào camera để tạo cảm giác tập trung, và đừng quên thể hiện ngôn ngữ cơ thể một cách tự tin nhất nhé

2.3. Xử lý các tình huống bất ngờ

Các sự cố kỹ thuật là những yếu tố không thể lường trước được trong phỏng vấn online cho dù bạn có chuẩn bị kỹ như thế nào đi nữa. Hãy lưu thông tin liên lạc của nhà tuyển dụng để có thể gọi thông báo đến họ tình huống bạn gặp phải – nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhà tuyển dụng sẽ hiểu và thông cảm. 

Trong trường hợp âm thanh bị đứt quãng hay khó nghe khiến bạn không nghe được câu hỏi, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng rằng “Xin lỗi anh/chị nhưng tín hiệu bên em nghe không được rõ lắm. Anh/chị có thể lặp lại được không ạ?”. 

Ngoài ra nên chú ý đến “độ trễ thời gian” thường gặp trong các cuộc trò chuyện trực tuyến, hãy nói chậm rãi hơn bình thường để không bị ngắt lời nhà tuyển dụng quá nhiều lần nhé.

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 8

Gọi thông báo đến nhà tuyển dụng tình huống sự cố mà bạn đang gặp phải trong trường hợp gặp trục trặc kỹ thuật

3. Sau buổi phỏng vấn online

3.1. Đánh giá lại cuộc phỏng vấn

Mọi người thường thở phào và không có kế hoạch gì sau khi buổi phỏng vấn kết thúc. Tuy nhiên, Jolie Siam gợi ý bạn nên ghi chú lại những điểm mà bạn đã thể hiện tốt và cần cải thiện trong buổi phỏng vấn hoặc đánh giá cách trả lời câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra đã tốt chưa sẽ giúp bạn rút ra được những bài học quý giá và trở nên tự tin hơn cho những lần phỏng vấn sau này. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà, đừng quên bỏ qua bước này nhé.  

3.2. Gửi thư cảm ơn nhà tuyển dụng 

Một hành động nhỏ cũng có thể giúp bạn khác biệt hơn so với các ứng viên khác. Hãy gửi mail cho nhà tuyển dụng với nội dung cảm ơn vì đã cho bạn cơ hội tham gia phỏng vấn và bày tỏ mong muốn được trở thành một phần của công ty – điều này sẽ cho thấy thái độ cầu thị của bạn, đồng thời cũng tạo một ấn tượng tốt đẹp cho nhà tuyển dụng. 

3.3. Thường xuyên kiểm tra điện thoại, email 

Nhiều người thường có thói quen không nhận điện thoại từ người lạ vì sợ bị các bạn tiếp thị làm phiền, tuy nhiên, nếu bạn đang trong thời gian chờ đợi kết quả phỏng vấn thì không nên bỏ lỡ cuộc gọi nào, bởi nó có thể là cuộc gọi từ phía nhà tuyển dụng. Hãy nhớ kiểm tra email thường xuyên để chắc chắn rằng bạn không bỏ sót email thông báo kết quả tuyển dụng nhé. 

Các tuyệt chiêu để phỏng vấn online thành công 9

Đừng nên bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi hay email nào trong thời gian chờ kết quả phỏng vấn 

Trên đây là các “tuyệt chiêu” để phỏng vấn online thành công. Jolie Siam mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn đỡ lúng túng và bỡ ngỡ với hình thức phỏng vấn này và thành công vượt qua hành trình tìm việc để đạt được công việc mơ ước. Chúc bạn thành công.

Nếu bạn đang quan tâm đến các công việc nhân sự, lễ tân, chăm sóc khách hàng hay muốn gia nhập team Jolie Siam thì tham khảo ngay: https://www.joliesiam.com/vi/su-nghiep